Bình Thuận
Điều kiện tự nhiên
Bình Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, phía đông bắc và bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía bắc và tây bắc giáp Lâm Đồng, phía tây giáp Đồng Nai, phía tây nam giáp Bà Rịa – Vũng Tàu, phía đông và đông nam giáp biển Đông.
Địa hình của tỉnh có thể chia thành 3 vùng: vùng rừng núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Bờ biển dài hơn 192km (từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná – Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu – Bà Rịa Vũng Tàu), có nhiều nhánh núi đâm ra biển tạo nên các mũi: La Gan, Mũi Nhỏ, Mũi Rơm, Mũi Né, Kê Gà, chia bờ biển thành những đoạn lõm, vòm, tạo ra những vùng cửa biển tốt như: La Gan – Phan Rí, Mũi Né – Phan Thiết, La Gi. Ngoài khơi có đảo Phú Quí rộng 23km² là cầu nối giữa đất liền với quần đảo Trường Sa.
Các sông chảy qua tỉnh là sông La Ngà (từ cao nguyên Di Linh đổ xuống hồ Biển Lạc), sông Quao, sông Công, sông Dinh… Khí hậu nhiệt đới, ít chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc, khí hậu nóng, khô hạn. Nhiệt độ trung bình năm 26ºC – 27ºC, lượng mưa trung bình năm 800 – 1.150mm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là tỉnh có nhiều rừng, công nghiệp chế biến gỗ, chế biến hạt điều và sản xuất hàng thủ công là thế mạnh của tỉnh. Bình Thuận có bờ biển dài, ngoài khơi giàu hải sản như cá thu, nục, ngừ, cơm, mực. Kinh tế biển phát triển về đánh bắt hải sản, sản xuất nước mắm, hải sản đông lạnh, làm muối.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều bãi tắm cát trắng, nước trong xanh sạch sẽ cùng với những dãy núi trùng điệp, nối những bãi biển nên thơ bởi những dải đồng bằng bát ngát. Bình Thuận có nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng như: Phan Thiết, Mũi Né, Hàm Tân, Đồi Dương… là những khu du lịch văn hoá – thể thao với các loại hình tắm biển, câu cá, du thuyền săn bắn và chơi golf.
Dân tộc, tôn giáo
Bình Thuận có một nền văn hóa đa dạng và lâu đời của nhiều dân tộc. Toàn tỉnh có hơn 30 dân tộc chung sống, trong đó 6 dân tộc đông nhất là: Việt (Kinh), Chăm, Hoa, Ra Glai, Cơ Ho và Tày.
Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nền kiến trúc của người Chăm rất phong phú với những tháp cao bằng đất nung, vừa thanh thoát, vừa bền vững với dáng đứng hiên ngang. Những tác phẩm điêu khắc Chăm như tượng các thần, các vị vua, hoàng hậu, vũ nữ,…đã thể hiện trình độ điêu luyện về kỹ thuật chạm, khắc, với những đường nét chắc, khoẻ, lãng mạn, giàu trí tưởng tượng. Trang phục, nhạc cụ, điệu múa, lời ca là những di sản quý của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh và văn hóa Chăm cổ còn được đồng bào lưu giữ đến ngày nay.
Các công trình kiến trúc cổ có đền, tháp, đình, chùa, lăng, miếu đan xen với các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội truyền thống của người Việt, người Chăm…đã đem lại cho mảnh đất Bình Thuận những nét văn hóa riêng và độc đáo.
Giao thông
Thành phố Phan Thiết cách Tp. Hồ Chí Minh 198km, cách Hà Nội 1.518km. Bình Thuận có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam đi qua tỉnh, có quốc lộ 28 nối sang Lâm Đồng.
Di tích – Danh Thắng – Văn Hoá – Điểm tham quan
Điểm tham quan
Di tích lịch sử, văn hoá
* Đền thờ Pôklông – Mơh Nai
* Chùa Cổ Thạch
* Chùa Núi Tà Cú
* Di tích trường Dục Thanh
* Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư
Thắng cảnh
* Ðảo Kê Gà
* Đảo Phú Quý
* Gành Son
* Hòn Lao Câu
* Hòn Rơm
* Khu du lịch Non Nước
* Mũi Né
Du lịch văn hoá
* Hội đền Dinh Thầy
Du lịch sinh thái
* Khu du lịch Non Nước
* Khu du lịch sinh thái Đồi Sứ
* Khu nghỉ mát Novotel Ocean Dunes
Du lịch thể thao, giải trí
* Câu lạc bộ golf Ocean Dunes